Phòng ngừa và điều trị ung thư đại trực tràng như thế nào?
Ung thư đại trực tràng là bệnh ung thư phổ biến và có tỷ lệ tử vong cao, đứng hàng thứ 2 ở nữ và hàng thứ 3 ở nam giới trên thế giới. Tuy nhiên, đây lại là một trong những bệnh ung thư có thể dễ dàng phòng ngừa và phát hiện sớm để điều trị có hiệu quả.
Mục lục
- 1 Ung thư đại trực tràng có dấu hiệu tăng ở người trẻ
- 2 Phòng ngừa ung thư đại trực tràng
- 2.1 1. Tầm soát định kỳ là phương pháp tốt nhất
- 2.2 2. Hạn chế uống rượu bia
- 2.3 3. Bổ sung đủ Canxi và vitamin D
- 2.4 4. Uống vitamin tổng hợp có chứa folate
- 2.5 5. Hạn chế ăn thịt đỏ
- 2.6 6. Ăn nhiều trái cây, rau củ, đảm bảo đủ chất xơ
- 2.7 7. Giảm cân và béo bụng
- 2.8 8. Tập thể dụng mỗi ngày
- 2.9 9. Không hút thuốc lá
- 2.10 10. Chữa trị dứt điểm các bệnh liên quan đến đường ruột
- 2.11 11. Hiểu rõ triệu chứng và khám sức khỏe tổng quát định kỳ
- 2.12 12. Tìm hiểu về nguy cơ ung thư đại trực tràng di truyền
- 3 Điều trị ung thư đại trực tràng
- 4 Kết luận
Ung thư đại trực tràng có dấu hiệu tăng ở người trẻ
Nghiên cứu cho thấy bệnh ung thư đại trực tràng đang có xu hướng xảy ra nhiều ở giới trẻ. Quan trọng hơn đó là người trẻ thường được chẩn đoán bệnh ở giai đoạn muộn do chủ quan và không thường xuyên thực hiện sàng lọc. Nếu trước kia bệnh chỉ ở người lớn tuổi thì nay số lượng bệnh nhân bị ung thư đại trực tràng ở giai đoạn tuổi 20 đến 30 đang dần tăng lên, thậm chí có bệnh nhân từ 15 hay 16 tuổi đã phát hiện mắc ung thư.
Phòng ngừa ung thư đại trực tràng
Vậy làm sao để phòng tránh bệnh ung thư đại trực tràng? Dưới đây là một số cách phòng ngừa ung thư đại trực tràng đơn giản mà bạn hoàn toàn có thể thực hiện ngay hôm nay.
1. Tầm soát định kỳ là phương pháp tốt nhất
Đây có lẽ là cách tốt nhất để phòng ngừa ung thư đại trực tràng. Trong những đợt khám sức khỏe tổng quát, bạn có thể yêu cầu bác sĩ thực hiện thêm các xét nghiệm sàng lọc ung thư. Ngoài ra, một khi phát hiện thấy những dấu hiệu sớm nhất của ung thư đại trực tràng, cần đi kiểm tra ngay.
Các phương tiện tầm soát ung thư đại trực tràng thường được bắt đầu bằng những phương tiện giản đơn, ít xâm lấn đến các phương pháp chuyên sâu hơn như tìm máu ẩn trong phân, nội soi đại tràng “sigma” (hay còn gọi là đại tràng chậu hông) (và cần thống nhất cách gọi trong tất cả các bài viết cũng như hình trên website), nội soi toàn bộ đại tràng, chụp đại tràng đối quan kép. Tuy nhiên, các xét nghiệm như nội soi gây lo ngại và đau cho bệnh nhân nên tỉ lệ người thực hiện tầm soát chưa thật sự nhiều.
Hiện nay, phương pháp xét nghiệm tìm tế bào ung thư tuần hoàn trong máu (circulating tumor cells – CTC) đang được áp dụng nhiều hơn trong việc tầm soát ung thư đại trực tràng. Phương pháp này có độ chính xác cao và không yêu cầu các thủ thuật xâm lấn như nội soi, hoàn toàn thuận tiện cho bệnh nhân.
Ung thư đại trực tràng là bệnh có diễn biến phức tạp. Các bác sĩ đều đồng ý rằng không nên để bệnh tiến triển đến giai đoạn muộn mới đi chữa trị.
Đọc thêm: Xét nghiệm máu CRC Protect
2. Hạn chế uống rượu bia
Tiêu thụ quá nhiều thức uống có cồn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh ung thư, không chỉ ung thư đại trực tràng. Vì vậy cần hạn chế lượng rượu bia xuống chỉ còn 2 ly mỗi ngày đối với nam và 1 ly đối với nữ.
3. Bổ sung đủ Canxi và vitamin D
Nên bổ sung 1000 đến 2000 mg canxi và 1000 IU vitamin D mỗi ngày để phòng tránh ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên cũng cần lưu ý không nên lạm dụng và nạp quá liều. Tham khảo ý kiến chuyên môn của bác sĩ là điều cần thiết trước khi quyết định uống bất kỳ loại vitamin nào trong thời gian dài.
4. Uống vitamin tổng hợp có chứa folate
Vitamin tổng hợp giúp bổ sung các khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra mối liên hệ của việc uống vitamin tổng hợp và giảm thiểu nguy cơ ung thư đại trực tràng.
5. Hạn chế ăn thịt đỏ
Ăn quá nhiều thịt đỏ như bít tết, hamburger và thịt lợn làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Các loại thịt chế biến như thịt xông khói hay xúc xích làm tăng nguy cơ mắc bệnh hơn nữa. Nên hạn chế nhiều nhất là ba khẩu phần mỗi tuần. Nếu được hãy ăn ít hơn. Có thể thay bằng thịt trắng như thịt gà, thịt vịt và bổ sung nhiều rau xanh và hoa quả cho bữa ăn hàng ngày.
6. Ăn nhiều trái cây, rau củ, đảm bảo đủ chất xơ
Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh, nên ăn nhiều trái cây và rau quả. Ngoài ra cũng nên bổ sung thật đầy đủ chất xơ từ lúa mạch, trái cây, rau tươi. Đây là những chất làm loãng chất sinh ung thư trong phân, làm giảm thời gian ứ đọng phân trong lòng ruột và sản sinh ra những vi khuẩn có lợi cho đường ruột.
7. Giảm cân và béo bụng
Thừa cân và béo phì không chỉ làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng mà còn nhiều bệnh khác như tim mạch, huyết áp, tiểu đường. Lớp mỡ xung quanh vùng bụng là dấu hiệu đầu tiên cần lưu tâm. Nên kết hợp ăn uống và luyện tập thể dục để duy trì một cân nặng thích hợp.
8. Tập thể dụng mỗi ngày
Nên tập thể dục 3 lần mỗi tuần, mỗi lần chỉ cần 30 phút. Duy trì vận động, tập thể dục hằng ngày có khả năng tăng sức đề kháng và chống bệnh tật, đặc biệt là bệnh ung thư. Nghiên cứu cũng đã cho thấy những bệnh nhân ung thư ruột ở giai đoạn 3 đã mổ, luyện tập aerobic thường xuyên góp phần làm giảm nguy cơ tái phát.
9. Không hút thuốc lá
Không hút thuốc là điều tốt nhất mà bạn có thể làm cho sức khỏe của mình. Thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng như bệnh tim, đột quỵ hay thủng khí quản. Ngoài ra thì hút thuốc lá còn là nguyên nhân chính gây ra ít nhất 14 loại ung thư khác nhau, trong đó có ung thư đại tràng. Lợi ích cho sức khỏe sẽ xuất hiện ngay khi bạn bắt đầu từ bỏ hút thuốc.
10. Chữa trị dứt điểm các bệnh liên quan đến đường ruột
Ung thư đại trực tràng có thể xuất phát từ những tổn thương ở vùng bụng không được điều trị dứt điểm. Nếu bạn từng mắc các bệnh viêm loét đại trực tràng thì nên tuân thủ phác đồ điều trị, đi khám theo hẹn của bác sĩ cho đến khi chắc chắn bệnh đã được chữa khỏi. Không nên chủ quan và ngưng điều trị khi thấy những khởi sắc đầu tiên.
11. Hiểu rõ triệu chứng và khám sức khỏe tổng quát định kỳ
Để có thể điều trị thành công ung thư, điều quan trọng nhất đó là phát hiện bệnh sớm. Vì vậy, cần phổ cập cho bản thân và người thân kiến thức về dấu hiệu ung thư đại trực tràng để có thể phát hiện bệnh sớm.
12. Tìm hiểu về nguy cơ ung thư đại trực tràng di truyền
Nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng là cao hơn ở một số người. Đặc biệt là những trường hợp có người thân ruột thịt từng bị ung thư đại trực tràng hoặc mắc các hội chứng liên quan đến ung thư đại trực tràng (như hội chứng Lynch, bệnh FAP). Đối với những người này cần thực hiện sàng lọc sớm và thường xuyên hơn.
Điều trị ung thư đại trực tràng
Bệnh ung thư đại tràng có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Đa phần bệnh nhân ung thư trải qua 3 liệu pháp chính, bao gồm: phẫu thuật, xạ trị, và hóa trị.
Tuy nhiên, chi tiết điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó phổ biến nhất là điều trị theo giai đoạn của bệnh.
Giai đoạn 0
Ở giai đoạn này, ung thư chưa phát triển ra khỏi thành đại trực tràng, vì vậy đa phần bệnh nhân chỉ cần phẫu thuật cắt bỏ polyp hoặc phần đại trực tràng bị ảnh hưởng. Phẫu thuật có thể được thực hiện thông qua thủ thuật nội soi nếu khối u ung thư có kích thước nhỏ và không nằm ở những vị trí khó tiếp cận. Trong trường hợp khối u quá lớn, có thể phải mổ để thực hiện cắt bỏ cục bộ.
Giai đoạn 1
Khối u ung thư đại trực tràng ở giai đoạn 1 đã phát triển đến thành đại trực tràng nhưng chưa xâm lấn ra bên ngoài và chưa ảnh hưởng đến các hạch bạch huyết lân cận. Có hai loại ung thư ở giai đoạn này.
Đối với ung thư phát triển từ các polyp không được điều trị ở giai đoạn 0, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật để cắt bỏ khối u. Nếu sau khi phẫu thuật không còn tồn tại các tế bào ung thư nào ở mép của vết cắt khối u thì thường không cần thêm bước điều trị tiếp theo.
Nếu ở mép còn tế bào ung thư, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm phẫu thuật. Trường hợp polyp được cắt bỏ theo từng mảnh, bệnh nhân cũng được chỉ định phẫu thuật thêm để đảm bảo tế bào ung thư đã được loại bỏ hoàn toàn.
Còn đối với ung thư không phát triển từ polyp, phẫu thuật cắt bỏ đại tràng (colectomy) là quy trình điều trị thường quy. Phần đại tràng bị các tế bào ung thư phá hủy sẽ được cắt bỏ. Bệnh nhân thường không cần làm thêm phẫu thuật sau khi cắt bỏ đại tràng.
Giai đoạn 2
Ung thư ở giai đoạn này đã phát triển ra khỏi thành đại trực tràng nhưng chưa ảnh hưởng đến các hạch bạch huyết.
Bệnh nhân ung thư đại trực tràng giai đoạn 2 cần thực hiện phẫu thuật loại bỏ khối u và một phần đại tràng và hệ thống hạch bạch huyết lân cận. Đối với trường hợp bệnh có nguy cơ tái phát cao, các bác sĩ sẽ chỉ định hóa trị sau phẫu thuật. Một số yếu tố nguy cơ ung thư đại trực tràng tái phát bao gồm:
- Hình dạng tế bào ung thư bất thường khi soi dưới kính hiển vi
- Ung thư đã phát triển sang các mạch máu và hạch bạch huyết
- Phẫu thuật không loại bỏ ít nhất 12 hạch bạch huyết
- Tế bào ung thư còn sót lại ở vị trí phẫu thuật
- Khối u chèn ép đại trực tràng
- Ung thư làm thủng (tạo thành lỗ hổng) ở đại tràng
Không phải tất cả bác sĩ đều sẽ chỉ định thực hiện hóa trị ở giai đoạn 2 của ung thư đại trực tràng. Bệnh nhân nên thảo luận kỹ lưỡng với bác sĩ về mặt lợi và hại của hóa trị, bao gồm khả năng giúp bệnh ung thư không tái phát và các tác dụng phụ, đối với việc điều trị ung thư.
Nếu quyết định thực hiện hóa trị, bệnh nhân có thể được đề nghị sử dụng một số loại thuốc hóa trị như 5-FU và leucovorin, oxaliplatin hoặc capecitabine. Bác sĩ cũng sẽ kết hợp các loại thuốc khác trong khi điều trị.
Giai đoạn 3
Khối u ung thư đại trực tràng giai đoạn 3 đã phát triển ra bên ngoài đại trực tràng, đến các hạch bạch huyết lân cận nhưng chưa di căn sang các cơ quan khác.
Điều trị ung thư ở giai đoạn này bao gồm phẫu thuật cắt bỏ đại tràng và hệ bạch huyết bị ảnh hưởng kèm với thực hiện hóa trị.
Phác đồ hóa trị có thể bao gồm FOLFOX (5-FU, leucovorin và oxaliplatin) hoặc CapeOx (capecitabine và oxaliplatin). Đây là những loại thuốc được sử dụng thường xuyên nhất, nhưng một số bác sĩ có thể chỉ định thêm 5-FU với leucovorin hoặc capecitabine cho bệnh nhân dựa trên độ tuổi và sức khỏe của họ.
Xạ trị kết hợp với hóa trị có thể được thực hiện đối với bệnh nhân không đủ sức khỏe để làm phẫu thuật cắt bỏ đại trực tràng.
Giai đoạn 4
Đây là giai đoạn cuối cùng của bệnh ung thư. Ở giai đoạn 4, ung thư đã di căn sang các cơ quan khác trong cơ thể. Khối u ung thư đại trực tràng thường di căn đến gan, não, dạ dày hoặc các hạch bạch huyết tại các vị trí khác trên toàn bộ cơ thể.
Khả năng điều trị thành công cho bệnh ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối là rất thấp. Bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ phần đại trực tràng bị ung thư, các hạch bạch huyết bị ảnh hưởng, và các khối u di căn. Bệnh nhân cũng phải thực hiện hóa trị trước và sau khi phẫu thuật. Đối với một số trường hợp ung thư di căn đến gan, bệnh nhân có thể sẽ phải thực hiện thêm truyền tĩnh mạch gan.
Nếu các khối u có kích thước quá lớn và không thể phẫu thuật cắt bỏ, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng hóa trị để thu nhỏ kích thước trước khi phẫu thuật. Sau đó, bệnh nhân vẫn phải tiếp tục tuân thủ phác đồ hóa trị. Bác sĩ cũng có thể đặt ống đại tràng để không phải phẫu thuật. Nếu không, các bác sĩ sẽ phẫu thuật cắt bỏ phần đại tràng bị bệnh hoặc thực hiện thủ thuật tạo lỗ tiêu tiểu nhân tạo (đại tràng được cắt bỏ khỏi khu vực bị ung thư và đoạn cuối được nối với bụng làm đường thải mới).
Ngoài ra thì đa số bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối còn được chỉ định làm thêm các phương pháp điều trị kết hợp hoặc điều trị trúng đích.
Điều trị ung thư đại trực tràng tái phát
Ung thư đại trực tràng thường tái phát đầu tiên ở gan. Phẫu thuật cắt bỏ khối u tái phát và kết hợp với hóa trị là hướng điều trị thông thường. Đối với trường hợp ung thư di căn đã phát triển vào giai đoạn muộn, bệnh nhân được điều trị như ung thư nguyên phát ở giai đoạn 4.
Trường hợp tế bào ung thư được kiểm tra và cho thấy có nhiều nét tương đồng, bác sĩ có thể điều trị bằng liệu pháp miễn dịch.
Ung thư tái phát thường rất khó chữa trị. Bệnh nhân có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về các phương pháp điều trị ung thư mới.
Kết luận
Các dấu hiệu cảnh báo sớm của ung thư đại trực tràng thường không rõ ràng và dễ bị nhầm lẫn với các căn bệnh khác. Vì vậy nên tiến hành các xét nghiệm sàng lọc định kỳ để phát hiện bệnh sớm hơn, nhất là với nhóm người có nguy cơ trung bình trở lên.
Bên cạnh các yếu tố di truyền, chế độ ăn uống và lối sống có ảnh hưởng rất lớn đến nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng. Hãy chủ động thay đổi thói quen để giảm nguy cơ và phòng ngừa bệnh.