Hội chứng Lynch là gì?
Mục lục
- 1 Hội chứng Lynch là gì?
- 2 Những người mắc hội chứng Lynch có nguy cơ phát triển bệnh ung thư đại trực tràng tăng đáng kể so với những người khác.
- 3 Dấu hiệu mắc hội chứng Lynch
- 4 Các dạng khác của hội chứng Lynch
- 5 Nguyên nhân gây ra hội chứng Lynch
- 6 Hội chứng Lynch có phổ biến?
- 7 Nguy cơ mắc bệnh ung thư của người bị hội chứng Lynch là bao nhiêu?
- 8 Hội chứng Lynch được chẩn đoán như thế nào?
- 9 Các lựa chọn sàng lọc ung thư cho hội chứng Lynch là gì?
Hội chứng Lynch là gì?
Hội chứng lynch này còn được gọi là ung thư đại trực tràng không polyp di truyền (HNPCC), là một loại hội chứng có liên quan đến việc hình thành một số bệnh ung thư di truyền khác nhau, hay nói cách khác là những người mắc hội chứng Lynch có nguy cơ mắc một số loại ung thư cao hơn những người không mắc hội chứng này.
Ung thư bắt đầu khi các tế bào bình thường bắt đầu thay đổi và phát triển ngoài tầm kiểm soát, tạo thành một khối gọi là khối u. Một khối u có thể lành tính (không ung thư) hoặc ác tính (ung thư), có nghĩa là nó có thể lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Một khối u lành tính có nghĩa là khối u có thể phát triển nhưng sẽ không lan rộng.Ung thư bắt đầu khi các tế bào bình thường trong cơ thể bắt đầu thay đổi và phát triển ngoài tầm kiểm soát, theo thời gian tạo thành một khối các tế bào “lỗi”, hay còn gọi là khối u ung thư. Một khối u có thể là khối u lành tính (không có bệnh ung thư) hoặc ác tính (thành bệnh ung thư). Ung thư ác tính có thể di căn và lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Một khối u lành tính là một khối u có thể phát triển nhưng sẽ không lan rộng gây nguy hại thêm cho cơ thể.
Những người mắc hội chứng Lynch có nguy cơ phát triển bệnh ung thư đại trực tràng tăng đáng kể so với những người khác.
Ngoài ra họ còn có nguy cơ hình thành các loại ung thư khác, như ung thư nội mạc tử cung (tử cung), ung thư dạ dày, ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư ruột non, ung thư tuyến tụy, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đường tiết niệu, gan, thận và ung thư ống mật.
Hội chứng Lynch là một trong những hội chứng ung thư di truyền phổ biến nhất. Ước tính cho thấy cứ mỗi 300 người sẽ có 1 người có nguy cơ là người mang đột biến gen liên quan đến hội chứng Lynch. Các dấu hiệu cho biết liệu hội chứng Lynch có hiện hữu trong hệ gen của một gia đình hay không bao gồm việc thực hiện sàng lọc các trường hợp người thân trong gia đình mắc bệnh ung thư đại trực tràng hoặc ung thư nội mạc tử cung. Nếu kết quả sàng lọc cho thấy có nhiều họ hàng ở một phía của gia đình (ví dụ bên nhà vợ), thì nguy cơ ung thư di truyền xảy ra ở các thành viên khác trong gia đình là khá cao. Ngoài ra, các trường hợp thành viên gia đình mắc các loại ung thư liên quan đến hội chứng Lynch còn thường được chẩn đoán khi còn trẻ. Một trường hợp khác là người mắc hội chứng Lynch có nguy cơ cao mắc nhiều loại ung thư khác trong suốt cuộc đời của họ. Khi gia đình có những trường hợp nêu trên thì nên cân nhắc làm xét nghiệm tầm soát ung thư di truyền.
Dấu hiệu mắc hội chứng Lynch
Một số dấu hiệu cơ bản được sử dụng để xác định nguy cơ mắc hội chứng Lynch và nên lưu ý với rủi ro hình thành bệnh ung thư đại trực tràng (và các loại ung thư liên quan khác)* bao gồm:
- Mắc ung thư đại trực tràng dưới 50 tuổi
- Xuất hiện ung thư đại trực tràng và các loại ung thư liên quan ở cùng một cá nhân. Bệnh có thể phát tang cùng một lúc hoặc ở những thời điểm khác nhau.
- Bệnh nhân dưới 60 tuổi được chẩn đoán ung thư đại trực tràng với các khối u ung thư có đặc điểm liên quan đến hội chứng Lynch
- Gia đình có nhiều trường hợp người thân ruột thịt (bao gồm con cái, cha mẹ, anh chị em ruột) từng mắc các loại ung thư liên quan đến hội chứng Lynch, với 1 trong những loại ung thư này phát hiện trước 50 tuổi.
- Phát hiện ung thư đại trực tràng ở 2 thành viên không có liên hệ máu mủ trực tiếp (bao gồm dì, chú bác, ông bà, cháu, cháu trai và cháu gái)
*(các loại ung thư liên quan thường gồm ung thư đại trực tràng, ung thư nội mạc tử cung, ruột non, niệu quản, hoặc ung thư xương chậu thận; một số trường hợp cũng sẽ xem xét ung thư buồng trứng)
Định nghĩa hội chứng Lynch vẫn đang được phát triển thêm trong giới y học. Một người vẫn có thể mắc hội chứng Lynch ngay cả khi tiền sử gia đình họ không khớp với những dấu hiệu nêu trên. Vì vậy, không nên tự chẩn đoán mà nên tìm đến chuyên gia di truyền để được tư vấn thêm về mức độ cần thiết để thực hiện tầm soát ung thư di truyền cho hội chứng Lynch.
Các dạng khác của hội chứng Lynch
Muir-Torre là một dạng khác của hội chứng Lynch. Đối với dạng này, bệnh nhân mắc các tổn thương ở các mô mềm không phổ biến bao gồm u tuyến bã nhờn, u biểu mô bã nhờn, ung thư biểu mô bã nhờn và u xơ tử cung. Những tổn thương da hiếm gặp này thường được thấy nhiều hơn ở những người mắc hội chứng Lynch cho nên những người có triệu chứng thường được khuyên nên thực hiện tư vấn di truyền thêm để cân nhắc việc làm xét nghiệm gen di truyền.
Hội chứng Turcot là một tình trạng bệnh lý mà trong đó bệnh nhân phát triển các khối u não và ung thư đại trực tràng. Một số trường hợp trong quá khứ cho thấy mối liên hệ giữa hội chứng Lynch hay một hội chứng di truyền khác gọi là polyposis adenomatous polyposis (FAP) và hội chứng Turcot. Tuy nhiên, hội chứng Turcot không còn được coi là một hội chứng di truyền riêng biệt.
Nguyên nhân gây ra hội chứng Lynch
Hội chứng Lynch là một tình trạng bệnh lý di truyền. Điều này có nghĩa là nguy cơ ung thư có thể được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong gia đình. Những loại gen lỗi được di truyền này có tên gọi là các đột biến được thừa kế hoặc đơn giản là các đột biến. Sự thay đổi trong một số gen đặc thù liên quan đến việc sửa chữa ADN có ảnh hưởng đến khả năng hình thành hội chứng Lynch. Các gen này bao gồm các gen MLH1, MSH2, MSH6, PMS2 và EPCAM. Một đột biến (thay đổi) ở bất kỳ gen nào trong số những gen này làm cho một người có nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng và các bệnh ung thư liên quan khác tăng cao. Phụ nữ mang những đột biến gen này cũng có nguy cơ phát triển ung thư nội mạc tử cung và buồng trứng cao hơn phụ nữ không mang đột biến gen liên quan đến hội chứng Lynch.

Không phải tất cả các gia đình mắc hội chứng Lynch sẽ mang những đột biến gen MLH1, MSH2, MSH6, PMS2 hoặc EPCAM. Nghiên cứu đang được tiến hành để xác định các gen khác liên quan đến hội chứng Lynch. Ở một số trường hợp, đột biến ở những gen này không xảy ra do di truyền mà do quá trình lão hóa của cơ thể và các nguyên nhân khác hiện tại vẫn đang được giới y học tìm hiểu thêm. Những loại đột biến này được gọi là đột biến có được chứ không phải là đột biến di truyền và các thành viên khác trong gia đình không bị ảnh hưởng bởi cùng loại đột biến gen. Nếu khối u ung thư được xác định là do những thay đổi bất lợi ở các gen liên quan đến hội chứng Lynch, bệnh nhân có thể thực hiện xét nghiệm máu trên những đột biến gen này. Nếu cả máu và khối u đều có sự biến đổi gen tương đồng, đây sẽ là trường hợp ung thư di truyền thay vì ung thư sinh dưỡng, có nghĩa là các thành viên khác trong gia đình có thể bị ảnh hưởng bởi đột biến gen này.
Hội chứng Lynch có phổ biến?
Hầu hết các ca ung thư đại trực tràng xảy ra một cách bất ngờ và người bệnh không rõ nguyên nhân cụ thể gây bệnh. Khoảng 3% đến 5% của tất cả các trường hợp ung thư đại trực tràng và 2% đến 3% của tất cả các trường hợp ung thư nội mạc tử cung được cho là bắt nguồn từ hội chứng Lynch.
Nguy cơ mắc bệnh ung thư của người bị hội chứng Lynch là bao nhiêu?
Nguy cơ mắc ung thư trong suốt cuộc đời của những người mắc hội chứng Lynch là như sau: (lưu ý đây chỉ là tỷ lệ dự đoán)
- Ung thư đại trực tràng: 20% – 80%
- Ung thư dạ dày: 1% – 13%
- Ung thư đường mật gan (gan/ống mật): 1% – 4%
- Ung thư đường tiết niệu (ung thư thận, niệu quản, bàng quang): 1% – 18%
- Ung thư ruột non: 1% – 6%
- Ung thư tuyến tụy :1% – 6%
- U não hoặc hệ thần kinh trung ương: 1% – 3%
- Ung thư nội mạc tử cung: 15% – 60%
- Ung thư buồng trứng 1% – 38%
Hội chứng Lynch được chẩn đoán như thế nào?
Hội chứng Lynch có thể được xác nhận thông qua xét nghiệm máu. Hiện nay, xét nghiệm gen ung thư di truyền có sẵn cho các gen MLH1, MSH2, MSH6, PMS2 và EPCAM. Tuy nhiên, không phải tất cả các gia đình mắc hội chứng Lynch sẽ mang đột biến có thể nhận dạng được trong 1 trong số các gen này. Còn rất nhiều đột biến gen khác chưa được xác định bởi y học. Tuy nhiên thì đây là những gen phổ biến nhất hiện có.

Các xét nghiệm sàng lọc gen cũng có thể được thực hiện trên mô khối u để xác định xem liệu hội chứng Lynch có liên quan đến việc hình thành bệnh ung thư hay không. Hai xét nghiệm sàng lọc được đề nghị là xét nghiệm bất ổn microsatellite (MSI) và xét nghiệm miễn dịch hóa học (IHC). Kết quả của các xét nghiệm này có thể cho biết nhu cầu cần thực hiện thêm các xét nghiệm di truyền cụ thể hơn.
Các lựa chọn sàng lọc ung thư cho hội chứng Lynch là gì?
- Soi ruột già mỗi 1 đến 2 năm, bắt đầu từ 20 đến 25 tuổi hoặc 5 tuổi trẻ hơn độ tuổi sớm nhất của thành viên từng được chẩn đoán mắc các loại ung thư liên quan đến hội chứng Lynch trong gia đình
- Xét nghiệm tìm tế bào ung thư tuần hoàn trong máu (CTC)
- Nội soi hệ tiêu hóa trên mỗi 3 đến 5 năm cộng với việc xét nghiệm nhiễm virus Helicobacter pylori
- Kiểm tra toàn bộ da hàng năm
- Xem xét việc sử dụng aspirin hàng ngày vì điều này đã được chứng minh có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng và có thể là các loại ung thư khác ở những người mắc hội chứng Lynch
- Sàng lọc các loại ung thư khác liên quan đến hội chứng Lynch tùy thuộc vào bệnh sử gia đình
Đối với phụ nữ:
- Khám phụ khoa, siêu âm vùng chậu, sinh thiết nội mạc tử cung từ 30 đến 35 tuổi trở đi. Phụ nữ đã mãn kinh hoặc phụ nữ không còn có con nữa có thể xem xét phẫu thuật cắt bỏ tử cung và buồng trứng để phòng ngừa, đặc biệt là khi sàng lọc ung thư nội mạc tử cung và buồng trứng chưa bao giờ được chứng minh là có hiệu quả ở phụ nữ bị hội chứng Lynch.
Các xét nghiệm và thủ thuật để sàng lọc có thể thay đổi theo thời gian khi các công nghệ mới được phát triển và y học hiểu nhiều hơn về hội chứng Lynch và các dạng khác của nó. Ví dụ như hiện nay, công nghệ sinh học đã giúp ta có thể kiểm tra nguy cơ mang đột biến gen gây hội chứng Lynch và các bệnh ung thư liên quan chỉ với một xét nghiệm gen di truyền đơn giản. Điều quan trọng là phải nói chuyện với bác sĩ của bạn về các xét nghiệm sàng lọc thích hợp trước khi quyết định thực hiện bất kỳ xét nghiệm hoặc thủ thuật nào.
Nguồn: Cancer.net