Sự thật về “bỏ đói” trong điều trị ung thư?
Mục lục
Quan niệm ban đầu về bỏ đói tế bào ung thư
Các tế bào ung thư phát triển theo một cách riêng biệt mà có thể vượt qua cả những hạn chế bình thường. Hoạt động tăng trưởng này đòi hỏi nhiều năng lượng, và vì vậy các tế bào ung thư chuyển hóa các chất dinh dưỡng theo những cách khác với các tế bào khỏe mạnh xung quanh. Với nỗ lực tiêu diệt khối u mà không giết các tế bào hoạt động bình thường, các thuốc hóa trị nhắm vào các con đường chuyển hóa này bên trong của các tế bào ung thư. Việc này cực kì khó khăn, tốn kém và còn mang lại những tác dụng phụ mà bệnh nhân phải chịu đựng cùng với căn bệnh này.
Hiện nay các bác sĩ đang bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về các chất dinh dưỡng cụ thể nuôi các tế bào ung thư này. Đó là, những gì chúng ta ăn ảnh hưởng đến ung thư phát triển như thế nào và liệu có cách nào đó có khả năng “bỏ đói” tế bào ung thư mà không khiến một người trở thành thiếu dinh dưỡng, hoặc thậm chí bị đói.
Jason Locasale, một chuyên gia sinh học ung thư tại Đại học Duke cho biết, trong một thời gian dài, suy nghĩ phổ biến là sự thay đổi chuyển hóa trong các tế bào ung thư là kết quả của các gen và đột biến quyết định quá trình biến dưỡng. Và như hiện nay chúng ta đã biết, đó là một sự tương tác phức tạp của môi trường và gen, và một trong những yếu tố chính tác động đó là chế độ dinh dưỡng.
Tầm quan trọng của dinh dưỡng từ lâu đã được chấp nhận ở một số bệnh như tiểu đường và tăng huyết áp. Ngay cả loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất trong bệnh tiểu đường loại 2, metformin, đã được tìm thấy trong các thử nghiệm lâm sàng có hiệu quả kém hơn một chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp tập thể dục. Các chuyên gia sinh học tế bào coi việc mở rộng dòng suy nghĩ đó đến căn bệnh ung thư, bởi vì ở cấp độ tế bào, ung thư cũng là một căn bệnh của quá trình biến dưỡng. Trước đây, có những tuyên bố mơ hồ và phóng đại rằng nhịn ăn hoặc bỏ đói có thể giết khối u. Nhưng cho đến hiện nay, chúng đã được chứng minh tuyên bố này không thực sự đúng.

Dinh dưỡng trong điều trị ung thư
Trong các thử nghiệm gần đây, tác động vào con đường biến dưỡng của các tế bào ung thư mới là yếu tố quyết định. Một số nghiên cứu có liên quan đến việc giảm thiểu lượng đường do một số tế bào ung thư chuyển hóa glucose ở mức cao hơn mức bình thường (để hỗ trợ quá trình đường phân hiếu khí), và làm giảm khả năng tiêu thụ đường của chúng có thể làm chậm sự tăng trưởng.
Năm ngoái, Siddhartha Mukherjee, nhà nghiên cứu của Đại học Columbia và là tác giả của The Emperor of All Maladies, và các đồng nghiệp của ông đã phát hiện ra rằng ít nhất một loại thuốc hóa trị đặc biệt có thể hiệu quả hơn bằng cách kết hợp sử dụng với chế độ ăn ketogenic ít đường nhưng giàu chất béo và protein. Trong một bài báo trên tạp chí Nature, các nhà nghiên cứu cho rằng tác động này có liên quan đến việc giảm mức độ insulin mà tuyến tụy giải phóng vào máu để đáp ứng với việc ăn uống.
Đồng thời, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã kết luận trên tạp chí Science Signaling rằng chỉ một số tế bào ung thư nhạy cảm với chế độ giảm glucose và cơ chế của sự chọn lọc này vẫn chưa được biết rõ. Nói cách khác, chế độ ăn ít đường có thể giúp chống lại một số bệnh ung thư, nhưng chắc chắn nó không đơn giản là các tế bào ung thư sử dụng đường và vì vậy lượng đường thấp sẽ ngăn chặn ung thư.
Mặc dù góc độ của đường và insulin đã cho thấy nhiều hứa hẹn, nhưng nhiều nghiên cứu đã tập trung vào chế độ protein hay cụ thể hơn là các axit amin riêng biệt tạo nên protein đó. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc hạn chế các axit amin serine và glycine có thể thay đổi kết quả điều trị ung thư. Theo một nghiên cứu năm 2018 trên tạp chí Nature, thuốc hóa trị liệu methotrexate bị ảnh hưởng bởi axit amin histidine. Một loại khác, măng tây, có liên quan đến sự tiến triển của ung thư vú di căn.
Có rất nhiều sự quan tâm hướng đến methionine, được tìm thấy có nhiều trong trứng và thịt đỏ. Năm 2018, một đánh giá về các bằng chứng hiện có từ Viện Ung thư Rutgers của New Jersey cho thấy hạn chế methionine là một cách chống ung thư đầy hứa hẹn. Bác sĩ phẫu thuật Robert Hoffman tại UC San Diego đã cho thấy điều này trong ung thư não và ung thư da melanoma. Methionine được hình thành trong các tế bào bình thường. Tuy nhiên, nhiều loại tế bào ung thư thiếu enzyme tham gia quá trình tạo methionine. Vì vậy, chúng cần thêm methionine từ bên ngoài cơ thể thông qua thức ăn. Cắt nguồn cung cấp này sẽ giúp làm chậm sự phát triển của khối u mà không cần phải nhịn đói.
Locasale và các đồng nghiệp của ông tại Duke đã công bố những phát hiện cho thấy việc hạn chế methionine làm giảm sự phát triển khối u ở chuột và người. Nghiên cứu của ông được thực hiện công nghệ tin sinh trong nghiên cứu chuyển hóa, sử dụng các bộ dữ liệu khổng lồ để định lượng hoạt động trao đổi chất. Thông qua các phép tính thống kê, chúng cho phép lĩnh vực nghiên cứu về dinh dưỡng thường có nhiều tranh cãi trở nên chính xác hơn, trong đó theo dõi toàn bộ quá trình biến dưỡng cụ thể.
Bên cạnh đó, những chất cần thiết khác cho cơ thể cũng có thể là những yếu tố tác động đến quá trình phát triển của ung thư. Bổ sung vitamin B12 có thể giúp ngăn chặn thiếu máu nếu bệnh nhân không hấp thu đủ qua thức ăn hằng ngày. Tuy nhiên, sử dụng quá mức những chất bổ sung này có liên quan đến tỉ lệ cao ung thư phổi. Điều này lại cho thấy một con đường biến dưỡng có thể đẩy mạnh sự phát triển của các tế bào ung thư.
Sự thật về việc bỏ đói ung thư
Như vậy, bởi vì ung thư là một khái niệm bao gồm nhiều loại bệnh khác nhau, với những thay đổi khác nhau, trong các con đường biến dưỡng khác nhau, ở các tế bào khác, trên các phần khác nhau ở cơ thể. Không liệu pháp điều trị dựa trên quá trình biến dưỡng nào là phù hợp cho tất cả mọi người. Do đó, trừ khi bác sĩ ung thư của bạn khuyên bạn có chế độ ăn đặc biệt phù hợp với loại ung thư chuyên biệt của bạn, lời khuyên cho bạn đó là hãy có một chế độ ăn khỏe mạnh thông thường. Ăn uống khỏe mạnh luôn là một cách lành mạnh để đối chọi với mọi loại bệnh, và không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy “bỏ đói hoàn toàn” là tốt ngay cả an toàn cho bạn.
Thức ăn là thuốc – hay còn gọi là liệu pháp biến dưỡng. Và không liệu pháp biến dưỡng nào là tốt hay xấu cho tất cả mọi người ở mọi điều kiện bệnh. Đây không thực sự là “bỏ đói” ung thư, mà là dựa trên việc tìm kiếm các lỗ hổng chính xác trong các quá trình biến dưỡng, từ đó ta có được các liệu pháp điều trị khả thi và có tính hiệu quả cao. Chất dinh dưỡng hay vitamin không đơn thuần là tốt hay xấu, gây ung thư hay chống ung thư. Nếu có một bài báo nào khuyên bạn một chế độ ăn cho ung thư hay chất bổ sung mà hứa chắc có thể chống ung thư, hãy cẩn thận, vì đó có thể là một lầm tưởng thường gặp về ung thư. Chúng có thể cuối cùng dẫn đến tình trạng tệ và xấu hơn.
https://www.theatlantic.com/health/archive/2019/05/food-cancer/589714/
https://www.straitstimes.com/singapore/health/study-finds-new-way-to-starve-cancer-cells
https://www.sciencedaily.com/releases/2018/01/180126095312.htm